Bối cảnh Chiến_dịch_Lublin-Brest

Tiến ra biên giới Liên Xô - Ba Lan, quân đội Liên Xô phải giải quyết nhiều vấn đề chính trị liên quan đến quân sự khá phức tạp. Tại các vùng đất giáp ranh giữa Byelorussya, Ukraina và Ba Lan còn tồn tại nhiều lực lượng vũ trang người địa phương thân Đức như các đội quân nổi dậy Ukraina (UPA) thuộc Phong trào quốc gia dân tộc Ukraina (OUN) do Stepan Bandera và Andrey Melnik cầm đầu. Mùa xuân năm 1943, các tình nguyện viên của tổ chức OUN đã tham gia Sư đoàn bộ binh 14 SS (Đức) với quân số hai trung đoàn và được người Đức đặt tên là Quân đội giải phóng Ukraina (UOA) theo mẫu hình của Sư đoàn ROA của A. A. Vlasov. Trong các năm 1943-1944, UPA và UOA đã gây ra nhiều vụ thảm sát đối với người Nga, người Ukraina và người Ba Lan với tổng số nạn nhân thiệt mạng lên đến 60.020 người; trong đó có những vụ bắn giết hàng nghìn người ở Lugansh, Ulanovo, Svatovo, Nizhni Ystriky, Novin và Volynsk.[4][5] Hoạt động trên địa bàn Đông Nam và Đông Ba Lan còn có các toán quân của quân đội Krajova dưới sự chỉ đạo của chính phủ Ba Lan lưu vong tại London, các đội du kích Byelororussia và Ukraina (Liên Xô), các đội du kích thuộc các đảng phái cảnh tả Ba Lan và cả các toán phỉ tồn tại từ trước ngày 1 tháng 9 năm 1941.

Không đợi đến khi giải phóng Minsk, từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7, Phương diện quân Byelorussia 1 tiếp tục phát huy chiến quả của Chiến dịch Bobruysk bằng Chiến dịch Slutsk-Baranovichi. Chiến dịch đệm này đã đẩy cánh Bắc của Tập đoàn quân 2 (Đức) vào sâu trong đầm lầy Polesia. Từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 7, Tập đoàn quân 61 và Giang đoàn Dniepr (Liên Xô) tổ chức tấn công dọc sông Pripyat sang phía tây, phá vỡ phòng tuyến Luninyet của quân Đức, đánh chiếm Pinsk ngày 14 tháng 7.[6] Ngày 15 tháng 7, Tập đoàn quân 61 và Giang đoàn Dniepr tiếp tục tấn công bằng cả hai đường thủy bộ song song dọc theo kênh đào Dniepr - Bug và đến ngày 17 tháng 7 đã có mặt trước cửa ngõ Kobrin. Chỉ trong 12 ngày đêm, Phương diện quân Byelorussia 1 đã tiến về phía tây từ 150 đến 170 km. Khoảng cách giữa cánh phải và cánh trái của phương diện quân đã được thu hẹp lại còn trên 120 km.[3]

Ngày 5 tháng 7, các tập đoàn quân xe tăng 2, cận vệ 8, 69 của Quân đội Liên Xô và Tập đoàn quân 1 của Quân đội nhân dân Ba Lan đã chiếm lại thành phố Kovel, hình thành một bàn đạp lợi hại để tấn công Lyublin. Tuy nhiên, trong trận đánh 6 tháng 7, Tập đoàn quân 47 của tướng N. I. Gusev đã bị thiệt hại nặng về xe tăng. Không chờ quân đội Liên Xô đột kích, chiều ngày 5 tháng 7, thống chế Walter Model lệnh cho quân Đức bỏ lại vùng đất thấp Kovel và rút về giữ tuyến phòng thủ Paradub (???) - Targovitse (???) đã được chuẩn bị sẵn các hỏa điểm chống tăng và xe tăng chôn âm dưới đất. Chiều ngày 5 tháng 7, trinh sát của Tập đoàn quân 47 lấy được tấm bản đồ của một sĩ quan chỉ huy thuộc Sư đoàn bộ binh 342 (Đức) bị giết. Trên tấm bản đồ có đánh dấu tuyến rút quân của quân Đức đến sông Tây Bug. Tướng N. I. Gusev cho rằng quân Đức đang tháo chạy và yêu cầu tướng F. N. Rutkin, chỉ huy trưởng Quân đoàn xe tăng 11 trực thuộc tập đoàn quân phải tấn công ngay mà không tiến hành các hoạt động trinh sát. Hai lữ đoàn xe tăng Liên Xô được triển khai đã hành động mò mẫm trên địa hình mới lạ. Vấp phải làn hỏa lực dày đặc của Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking", các lữ đoàn xe tăng Liên Xô bị thiệt hại nặng. Sau trận đánh thất bại này, tướng F. N. Rutkin bị cách chức, tướng N. I. Gusev bị khiển trách.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Lublin-Brest http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://armialudowa.com/ http://www.axishistory.com/index.php?id=6474 http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=136 http://sti.clemson.edu/index.php?option=com_docman... http://leav-www.army.mil/fmso/documents/failures.h...